Đánh giá
Trên địa bàn hai huyện Na Hang, Lâm Bình có 18 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có 4 cộng đồng dân tộc lớn là: Tày, Dao, H’mông, Kinh… mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán đậm đà bản sắc riêng tạo nên một kho tàng văn hóa vô cùng đặc sắc. Để tô điểm thêm cho sự phong phú, đa dạng và độc đáo trong bản sắc văn hóa ấy, chúng ta không thể không nhắc đến truyền thống dệt thổ cẩm của người Tày nơi đây.
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của người Tày, ngày trước đây không chỉ là nghề mà còn là một trong những tiêu chí để đánh giá một người phụ nữ đẹp, bởi bên cạnh việc đồng áng, người phụ nữ Tày còn phải biết se tơ, dệt vải vừa để phục vụ cho cuộc sống gia đình vừa làm của hồi môn khi đi lấy chồng.
Thổ cẩm là một loại vải dệt theo phương pháp thủ công truyền thống. Đây là loại vải giàu họa tiết được bố trí xen lẫn nhau, những hoa văn này đem lại cho bề mặt vải sự tương phản về đường nét, màu sắc. Hoa văn thổ cẩm chủ yếu hình chim thú, hoa lá được cách điệu trong từng ô vuông nhỏ, cân đối. Từ các loại thổ cẩm này, người ta đã sản xuất ra rất nhiều mặt hàng độc đáo như: khăn, túi, mũ, ví, vỏ chăn, vỏ gối, quần áo dân tộc… Vì vậy, sản phẩm thổ cẩm làm ra không chỉ cho cộng đồng các dân tộc trong vùng sử dụng mà còn được giới thiệu cho các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng…để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài.
Thổ cẩm truyền thống thường sử dụng nguyên liệu chính là bông vải, chỉ dệt cũng bằng sợi bông, hoặc sợi lanh và được nhuộm sẫm. Bông vải được đánh tơi xốp rồi kéo thành sợi. Màu nhuộm của thổ cẩm được tạo từ chất liệu thiên nhiên. Màu sắc và hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là tinh hoa, là biểu tượng đặc trưng của mỗi địa phương, vì vậy thổ cẩm của mỗi vùng đều có sự khác biệt, không hòa lẫn vào nhau. Trên từng khuông thổ cẩm, với tình yêu quê hương, tình yêu lao động và sự đam mê nghệ thuật, các chị em đã thổi hồn vào đó bằng những gam màu sáng tươi, rực rỡ. Còn những phụ nữ lớn tuổi thường tìm đến những gam màu trầm, và những đường nét rắn rỏi, đậm nét suy tư.
Đã từng có thời điểm nghề dệt thổ cẩm rất hưng thịnh, một phần do quan niệm đã là con gái Tày khi xuất giá về nhà chồng đều phải tự tay chuẩn bị ít nhất 10 chăn thổ cẩm làm quà biếu gia đình nhà chồng, coi như là của hồi môn; mặt khác do thời đó những mặt hàng công nghiệp chưa xâm nhập và thấm sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc. Hiện nay, do sự tác động của nền kinh tế thị trường nên nghề trồng bông, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Tày đã không còn phổ biến như xưa.
Để làm sống lại và giữ gìn một nét văn hóa truyền thống đang bị mai một, việc khôi phục lại nghề trồng bông, dệt thổ cẩm cần có sự góp sức của các cấp ủy đảng, các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cùng với quyết tâm và nỗ lực của đồng bào dân tộc. Bởi bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ gìn giữ được một giá trị văn hóa, mà còn tạo điều kiện tích cực cho việc phát triển kinh tế địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trà My
Nick Name